Người xưa nói vẫn “bệnh là do bảy phần tâm…” mà ra, thân – tâm vốn là hợp nhất, vậy nên thân đi nghỉ mà tâm vẫn thổn thức thì chẳng ích gì. “Thất tình” thì ai ai cũng vướng ít nhiều, tâm xả bỏ được bao nhiêu thì thân sẽ thấy nhẹ nhõm bấy nhiêu.
http://www.benhvienthongminh.com
Theo Đông y, “Thất tình” là bảy trạng thái tâm tình, gồm có: Hỷ – Nộ – Ưu – Tư – Bi – Khủng – Kinh.
1. Thất tình tương thắng
“Thất tình” là: Hỷ – Nộ – Ưu – Tư – Bi – Khủng – Kinh. “Hỷ” là vui vẻ, sung sướng; “nộ” là tức giận; “ưu” là u sầu, buồn bã; “tư” là tư lự, lo nghĩ, “bi” là đau buồn, đau thương; “khủng” là sợ hãi; “kinh” là kinh hãi, sửng sốt quá mức. Trong Đông y, “thất tình” được sử dụng để chỉ 7 loại “tình chí” (tình cảm, tinh thần) – có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật.
Theo quan điểm “Hình thần hợp nhất” của Đông y, hệ thống Tạng phủ trong nhân thể không chỉ đảm nhiệm các chức năng sinh lý, mà còn chi phối các hoạt động tình chí. Mỗi loại tình chí thông ứng với một Tạng nhất định: “Kinh” và “Hỷ” thông ứng với tạng Tâm; “nộ” ứng với tạng Can, “tư” ứng với tạng Tỳ; “bi” và “ưu” ứng với tạng Phế; “khủng” ứng với tạng Thận. Nói cách khác, tình chí là biểu hiện bên ngoài của hoạt động Tạng phủ; tựa như là chiếc “phong vũ biểu”, phản ánh tình trạng hoạt động của Tạng phủ bên trong cơ thể. Tạng phủ kiện toàn thì tinh thần sáng suốt, tâm trạng thoải mái. Và ngược lại, tình chí điều hòa, tâm trạng ổn định thì nội tạng cũng sẽ kiện toàn.
“Thất tình” là phản ứng tâm lý có tính bản năng, nói chung không có hại đối với sức khỏe. Nhưng khi thất tình biến động quá kịch liệt hoặc kéo dài quá lâu, thì có thể gây nên bệnh tật. Thất tình gây bệnh, ngoài cường độ và thời gian tác động, còn phụ thuộc vào tính chất của từng loại tình chí. “Hỷ” là loại tình chí ít gây bệnh nhất, “nộ” gây bệnh tương đối nặng, “kinh” và “khủng” gây bệnh nhanh nhất, “ưu” và “tư” gây bệnh tương đối chậm nhưng khó chữa.
Ngoài ra, thất tình còn có xu hướng gây tổn thương đối với Tạng thông ứng với nó, như sách “Nội kinh” đã nhận định: “Kinh, Hỷ thương Tâm; Nộ thương Can; Tư thương Tỳ; Bi, Ưu thương Phế; Khủng thương Thận”. Có nghĩa là kinh hãi và quá vui dễ gây tổn thương đối với tạng Tâm; tức giận dễ gây tổn thương đối với tạng Can; tư lự suy nghĩ quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Tỳ; bi thương, âu sầu quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Phế; sợ hãi quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Thận.
Thất tình có thể gây bệnh, nhưng cũng có thể sử dụng để chữa trị bệnh. Tình chí thông ứng với Ngũ tạng, Ngũ tạng thông ứng với Ngũ hành – cho nên giữa các loại tình chí cũng có quan hệ tương sinh – tương khắc giống như Ngũ tạng và Ngũ hành. Cụ thể: Can Mộc khắc Tỳ thổ, cho nên “nộ” có thể “thắng” (khắc chế) “tư”; “Tỳ Thổ khắc Thận Thủy, nên “tư” có thể thắng “khủng”; Thận Thủy khắc Tâm Hỏa, nên “khủng” có thể thắng “hỷ”; Tâm can khắc Phế Kim, nên “hỷ” có thể thắng “bi”; Phế Kim khắc Can Mộc, nên “bi” có thể thắng “nộ”.
Giữa các loại tình chí có mối quan hệ tương khắc theo Ngũ hành như vậy, cho nên khi một loại tình chí quá khích, gây tổn thương đối với một Tạng nào đó, có thể dùng một loại tình chí khác khống chế . “Bi thắng nộ, hỷ thắng ưu, khủng thắng hỷ; nộ thắng ưu, tư thắng khủng”. Nghĩa là “bi” – đau thương có thể lấn át, tiết chế “nộ” – sự tức giận. Tương tự: “hỷ” tiết chế được “khủng”. Người xưa gọi phương pháp sử dụng tình chí để chữa bệnh như vậy là “Tình chí tương thắng”; còn gọi là “Dĩ tình thắng tình”. Đó là một phương pháp trị liệu tâm lý hữu hiệu, rất độc đáo của Đông y. Hãy tìm hiểu một số ví dụ:
2. Dĩ nộ thắng tư
Hoa Đà là thần y, y thư còn ghi lại nhiều sự việc về tài chữa bệnh của ông, song chuyện Hoa Đà dùng thuật “kích nộ” để chữa bệnh thì ít thấy nói đến. Nhưng trong bộ chính sử “Tam Quốc Chí” lại có bệnh án rất đặc biệt, kể về chuyện Hoa Đà trị bệnh cho một quận thú.
Quận thú mắc nhiều bệnh, lâu ngày tư lự, nghĩ ngợi liên miên, chẳng còn thiết gì đến ăn uống, nên cơ thể ngày càng suy kiệt… Sau khi xem mạch, Hoa Đà thấy rằng, chỉ dùng “tâm thuật” mới có thể chữa khỏi được bệnh … Thế là, hàng ngày đòi chủ nhà phải cung phụng đủ thứ rượu ngon, sơn hào hải vị và đòi tiền thù lao rất cao. Ngày này qua ngày khác, Hoa Đà chỉ ăn uống vui chơi, chẳng kê đơn thuốc hay châm cứu. Quận thú rất tức giận. Mấy ngày sau, bỗng Hoa Đà bỏ đi, không thèm cáo từ, còn để lại một bức thư nhục mạ thậm tệ. Quận thú nổi trận lôi đình, liền sau gia nhân đuổi theo bắt giết. Gia nhân trở về báo không đuổi kịp. Quận thứ tức giận, thổ ra một đống máu đen… Thế nhưng lạ thay, sau đó bệnh giảm dần sức khỏe ngày càng tăng tiến…
Sau này, Hoa Đà mới giải thích: Quận thú bị bệnh lâu ngày, tư lự quá độ, “tư tắc khí kết” (tư lự quá độ khiến khí cơ uất kết), khí kết thì huyết sẽ bị ứ đọng (huyết ứ). Chỉ có cách “kích nộ”, “nộ tắc khí nghịch”, tức giận kích thích khí vận hành ngược lên. Khí hành, thì huyết cũng hành. Huyết ứ sẽ theo khí nghịch lên, thổ ra ngoài và bệnh sẽ khỏi.
Thực ra, Hoa Đà chưa hề nhận tiền bạc, gia nhân cũng không đuổi theo để bắt giết. Màn kịch trên được dàn dựng chỉ nhằm đạt tới mục đích: Lấy sự tức giận để hóa giải trạng thái tư lự, theo nguyên tắc mà Đông y gọi là “dĩ nộ thắng ưu”. Nộ thuộc hành Mộc, tư thuộc hành Thổ; Mộc thắng (khắc chế) Thổ, nên “nộ” có thể thắng “tư”, nhờ vậy mà Quận thú khỏi bệnh.
3. Dĩ hỷ thắng ưu
Sách “Cổ kim y án” có chép câu chuyện như sau:
Một chàng trai vừa thi đỗ tú tài, đột nhiện vợ chết, ưu sầu than khóc suốt ngày, lâu ngày sinh bệnh. Thầy mời đến đã nhiều, thuốc uống đã đủ loại, mà bệnh không đỡ. Sau được danh y Chu Đan Khê xem mạch và bảo: “Mạch của anh là “hỷ mạch” (mạch phụ nữ mang thai), xem chừng đã được vài ba tháng …“. Chàng trai liền ôm bụng cười và nói: “Ông là danh y mà không hiểu, nam và nữ có chỗ khác nhau sao? Thật chẳng khác gì bọn lang y tầm thường!” Sau đó, mỗi lần nghĩ đến chuyện này, chàng trai lại khoái chí cười vang, thường lấy đó làm trò tiêu khiển cùng bạn hữu. Ngày tháng trôi qua và bệnh khỏi lúc nào không biết.
Khi ấy, Chu Đan Khê mới giảng giải cho chàng tú tài kia cái nguyên lí “dĩ hỷ thắng ưu” – lấy vui thắng buồn, cũng là lấy hành Hỏa để khắc chế hành Kim vậy.
Ưu sầu – trầm uất là trạng thái sa sút nghiêm trọng về tinh thần. Theo Đông y: “ưu thương Phế”, ưu khiến cho Phế khi kết tụ – Phế khí thu tán, thăng giáng thất thường, mất điều hòa. Tạng Phế bị bệnh (“ưu thương phế”), dần dần dẫn đến các chứng trạng toàn thân: chức năng miễn dịch bị suy giảm.
Những phụ nữ hay u sầu, thường dễ mắc chứng kinh nguyệt không điều hòa, hành kinh đau bụng và nhiều loại bệnh phụ khoa khác. Để chữa trị những chứng bệnh nói trên, sử dụng “hỷ lạc liệu pháp”, theo nguyên tắc “dĩ hỷ thắng ưu”, trong nhiều trường hợp, còn có tác dụng mạnh hơn là dùng thuốc đơn thuần.
4. Dĩ khủng thắng hỷ
Sách “Hồi kê y thư” có câu chuyện: Một thư sinh nghèo, sau nhiều năm đèn sách, đã đỗ trạng nguyên và được vưa phong cho một chức quan cao. Do quá cao hứng, sinh ra mất ngủ và trên đường về nhà, tưởng tượng cảnh “áo gấm vinh uy” sung sướng quá, bỗng nhiên bị phát bệnh; Tình chí thất thường, suốt ngày cứ lẩm bẩm một mình, đá chân múa tay lung tung, khóc cười vô cớ…
Tùy tùng liền vội mời một vị danh y đến chẩn trị. Sau khi xem mạch, vị danh y thất sắc, giọng đau buồn nói với bệnh nhân: “Bệnh của trạng nguyên không thể chữa được nữa rồi, e rằng khó có thể qua nổi 7 ngày. Ngài nên cố đi cho thật nhanh về nhà, để gặp mặt người thân lần cuối“. Nghe xong, trạng nguyên rất sợ hãi, toàn thân toát mồ hôi lạnh, ngã lăn xuống đất. Tùy tùng đưa lên kiệu, ngày đêm chăm sóc, cho xe đi thật nhanh để kịp về quê. Hôm sau tỉnh dậy, trạng nguyên cảm thấy niềm vui bấy lâu nay đã tan biến, suốt ngày chỉ lo sợ không về kịp gặp mặt người thân lần cuối.
Thế nhưng, 7 ngày sau về đến nhà, không những không chết, mà bệnh khỏi, cử chỉ và hành vi hoàn toàn bình thường. Chính lúc vị tân khoa đang hoài nghi, nghĩ rằng thầy thuốc chẩn đoán sai, thì tùy tùng mang đến một bức thư. Mở ra xem thấy viết: “Đại nhân trúng trạng nguyên, được phong chức cao, quá cao hứng, không thể tự khống chế, tâm thần thác loạn. Loại bệnh này sử dụng thuốc không thể chữa được. Cho nên tôi đã cả gan lấy cái chết ra để đe dọa, khiến ngài khiếp sợ. Làm thế chỉ để chữa khỏi bệnh cho ngài, mong được lượng thứ. Nay bệnh đã khỏi, không còn gì phải lo ngại nữa.“
Trong “thất tình”, hỷ (vui) là một kích thích có lợi. Thông thường, tinh thần vui vẻ lạc quan rất có ích đối với sức khỏe. Vui vẻ, rất ít khi làm cho con người sinh bệnh. Tuy nhiên, vui đột ngột, vui quá mức, như điên như dại, thì “lạc cực sinh bi”, có thể làm cho tạng Tâm bị tổn thương, thần chí mất cân bằng, khí huyết bị rối loạn, thậm chí có thể làm chết người.
Để chữa trị, Đông y thường áp dụng “kinh khủng liệu pháp” theo nguyên lý “dĩ khủng thắng hỷ”; lấy sự sợ hãi để tiết chế trạng thái quá vui. Đối với con người, không gì đáng sợ bằng cái chết; nhất là đối với những người đang giàu sang, quyền cao chức trọng. Để “dĩ khủng thắng hỷ”, y gia thời xưa thường hay dùng cái chết để đe dọa, nói chung thường chứng kiến hiệu quả như thần.
Lắng nghe các tín hiệu của cơ thể khi ngũ tạng ‘cầu cứu’
Cơ thể chúng ta là một hệ thống phức tạp và có khả năng phòng vệ cũng như đưa cảnh báo khi có vấn đề. Theo Đông y, dưới đây là các tín hiệu ngũ tạng biểu hiện ra khi chúng cần sự quan tâm và hỗ trợ.
Hầu hết các khái niệm trong Đông y đều có tính “hữu danh vô hình” và không nhất thiết phải đồng nhất với một cơ quan hay tổ chức thực thể. Những khái niệm như “âm dương”, “khí huyết”, “tạng phủ”, “kinh lạc”, … trong Đông y chủ yếu được hình thành thông qua trực giác, cảm tri và thể ngộ, chứ không chỉ dựa vào thực chứng hay thực nghiệm.
Ngũ tạng là chỉ 5 tạng tượng trong cơ thể như: tâm (tim), can (gan), tỳ (lá lách), phế (phổi), thận. Do nhận thức của Đông y thiên về chức năng, bệnh lý, chứ không phải là những bộ phận cơ thể theo giải phẫu học của y học hiện đại nên ví dụ: tạng thận không phải chỉ là hai quả thận mà gồm có thận âm, thận dương, thận khí và cả một hệ thống sinh dục, tiết niệu.
Mỗi tạng đều có những tín hiệu để báo động cho cơ thể khi chúng gặp các vấn đề sức khoẻ như:
1. Tâm – là tạng quan trọng nhất trong lục phủ ngũ tạng và là cối lõi của sự sống.
Tim thuộc hành Hỏa trong ngũ hành, là gốc của mạch máu. Khi tim không được khỏe, nó sẽ phát ra những “tín hiệu” sau:
Thường xuyên cảm thấy hồi hộp, tức ngực, khi đi thang bộ hoặc vận động nhẹ thì thở dốc, nhịp tim tăng nhanh. Đặc biệt là trước đó tình trạng này không rõ ràng nhưng gần đây lại nặng lên.
Những cơn đau tim thường xuất hiện nhiều ở vùng giữa ngực, kéo dài liên tục mấy phút thậm chí là mười mấy phút, thường sẽ lan đến: cánh tay trái, ngón tay trái, thậm chí là cổ và vai.
Khi ngủ phải gối đầu cao thì mới ngủ được: Khi nằm đầu thấp, 1 gối sẽ cảm thấy tức ngực, khó thở, phải gối đầu cao (kê 2 hay nhiều gối) hoặc nằm nghiêng mới ngủ được, cho thấy chức năng của tim đã bị suy yếu.
2. Can – Gan không khỏe dẫn đến cả cơ thể càng lúc càng mệt mỏi.
Bệnh về gan được xem là “sát thủ âm thầm” bởi vì trong thời kỳ đầu bệnh không có các triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi gan bị bệnh, cũng sẽ có một vài dấu hiệu nhỏ sau đây:
Giấc ngủ cũng không ngon, khó đi vào giấc ngủ; sau khi thức dậy miệng khô, đắng, có mùi hôi, lợi chảy máu khi đánh răng… Chân cảm thấy mỏi khi chỉ đi vài bước, cảm thấy cả cơ thể càng lúc càng mệt, tay chân cũng càng lúc càng mất sức.
Người có gan không khỏe, chân dễ bị trật và rất khó phục hồi; vết thương cũng khó lành.
Những người thích uống rượu (dù đã giảm lượng rượu) hoặc những người bị bệnh về da, đã trị lâu ngày nhưng cũng không khỏi thì đều phải chú ý về gan.
Gan là tuyến tiêu hóa lớn nhất trong cơ thể, khi nó gặp vấn đề thì đa phần sẽ biểu hiện qua việc ăn uống, ví dụ như chán ăn, không muốn ăn, nhìn thấy đồ ăn dầu mỡ hoặc ngửi thấy mùi dầu là buồn nôn, chướng bụng…
Da mặt bị vàng, ngứa ngoài da: Khi gan bị bệnh, chức năng chuyển hóa của dịch mật cũng sẽ gặp trở ngại khiến cho cơ thể xuất hiện sự thay đổi về màu sắc như da mặt vàng, vàng mắt, vàng da, nước tiểu vàng.
Lòng bàn tay đỏ: Các cơ mô ngón cái, cơ dạng ngắn ngón út và mạch máu trên đầu ngón tay ở cả hai tay bị đỏ giống như được đánh phấn thì có nghĩa là có khả năng mắc viêm gan mãn tính và xơ gan. Còn có một dạng gọi là “sao mạch”, chấm màu đỏ tươi, hình mạng nhện, xuất hiện nhiều ở mặt, cổ, mu bàn tay, cẳng tay, trước ngực và vai.
3. Tỳ – làm chủ vận hóa trong ngũ tạng
Vận – tức là chuyển vận, chuyên chở; hoá – tức là tiêu hoá hấp thu. Trên thực tế, Tỳ đóng vai trò quan trọng đối với tiêu hoá và hấp thu, chuyên chở vật chất dinh dưỡng cho cơ thể, với sự hỗ trợ của đại tiểu tràng và nhiều tạng phủ khác.
Rối loạn chức năng này sẽ dẫn đến:
Đầy bụng, trướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy phân sống.
Viêm đường ruột mãn tính: vừa bị táo bón, vừa bị tiêu chảy, chán ăn, tức bụng.
Xuất hiện tình trạng đau bụng sau khi ăn cơm nửa tiếng cho đến 2 tiếng, triệu chứng biến mất khi đến trước bữa ăn tiếp theo, thông thường là loét dạ dày.
Đau bụng khi đói: Sau khi ăn từ 3 – 4 tiếng, cảm thấy đau khi bụng rỗng hoặc đói, cơn đau giảm đi hoặc biến mất sau ăn, thông thường là do loét tá tràng.
Phổi nằm ở phần chính giữa ngực, chia thành hai lá, khá xốp. Chiếm vị trí cao nhất trong lục phủ ngũ tạng, là điểm mạnh của ngũ tạng. Khi phổi gặp vấn đề sẽ phát ra các tín hiệu sau:
Ho khan: Không có đờm hoặc rất ít đờm, thường là viêm hô hấp cấp tính, thời kỳ đầu của viêm phế quản, một phần những người bị ung thư phổi cũng có triệu chứng này.
Ho mãn tính, kéo dài thường gặp trong viêm phế quản mãn tính, hay lao… Nếu ho ra máu thì phải đề phòng ung thư phổi. Ho đờm vàng thường là do phổi hoặc phế quản bị nhiễm trùng.
Sốt nhẹ về chiều và kéo dài đến tối. Cảm thấy mệt, chán ăn, ho ra máu vào những ngày thủy triều lên hoặc xuống có thể là dấu hiệu của bệnh lao phổi.
5. Thận là gốc âm dương của nội tạng.
Thận nằm ở chính giữa thắt lưng, kết hợp với bàng quang, tủy, não, tóc và tai thành hệ thống thận. Chủ yếu lưu giữ tinh, thủy, khí, là gốc âm dương của nội tạng, nguồn sống của sinh mạng, người xưa gọi thận là cái gốc thiên bẩm. Tín hiệu cầu cứu của thận thường thấy là:
Không thay đổi thói quen sinh hoạt nhưng lượng nước tiểu lại đột nhiên tăng hoặc giảm, hoặc tiểu vào ban đêm nhiều lần biểu hiện sớm nhất của chức năng thận không tốt.
Nước tiểu đổi màu: Màu nước tiểu là “thước đo” của thận, khi nước tiểu đổi thành màu trà nhạt, đỏ nhạt, nâu hoặc đục như nước vo gạo thì đều nên cảnh giác vấn đề về thận.
Nước tiểu có bọt: đặc biệt là bọt nhỏ khó tan cho thấy trong nước tiểu bài tiết nhiều protein.
Sưng mặt, chân: buổi sáng sau khi thức dậy bị sưng mắt, mặt, chân, triệu chứng này không biến mất sau 20 phút vận động hoặc sau khi làm việc nặng càng bị sưng nhiều hơn.
Nắm vững những tín hiệu do ngũ tạng phát ra là vô cùng cần thiết trong cuộc sống, nhưng cũng đừng nghĩ rằng “bệnh nhẹ tự động sẽ khỏi”, hoặc tự chữa trị bằng những cách không có cơ sở khoa học. Khi cơ thể khó chịu, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra, phối hợp chữa trị với bác sĩ để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.